21 tháng 8, 2015

Thế nào là “bị treo chén” và “bị rút năng quyền” của một linh mục ?

Gần đây có thông tin một linh mục thuộc Giáo phận Phan Thiết bị treo chén chức Linh Mục. Vậy treo chén chức Linh mục là gì, BỐ SUSU cũng rất quan tâm nên copy từ trang baoconggiao.com về để cả nhà cùng tìm hiểu vấn đề này. 
Ảnh sưu tầm.

Xin cha giải đáp thắc mắc dưới đây:
Thế nào là “bị treo chén” và “bị rút năng quyền” của một linh mục ?
Trả lời: 
Mọi linh mục giáo phận (diocesan priests)- hay còn gọi là linh mục triều, sau khi được chịu chức, thường được Giám mục của mình trao cho một thư bổ nhiệm (letter of appointment) hay còn gọi là “bài sai” trong đó có liệt kê những năng quyền (priestly faculties) được làm như:
- Cử hành Thánh lễ Tạ ơn (Eucharist)
- Cử hành các bí tích rửa tội, thêm sức, hòa giải, sức dầu bệnh nhân và chứng hôn.
- Giảng dạy giáo lý và Tin Mừng. (Gospels)
Như vậy, nếu không có thư bổ nhiệm trên, thì linh mục không thể công khai (publictly) cử hành các bí tích trên, dù mình có chức linh mục. Lại nữa, khi linh mục đang có năng quyền ở một giáo phận, đến chơi và lưu trú hơn một tuần lễ ở lãnh thổ thuộc giáo phận khác, thì cũng buộc phải xin năng quyền của Bản quyền địa phương, nếu muốn thi hành sứ vụ linh mục như làm lễ cho bổn đạo, giải tội, xức dầu .v.v. Nghĩa là không phải cứ là linh mục thì đi đâu cũng đương nhiên được thì hành các tác vụ linh mục, dù mình có chức linh mục thực thụ, trừ trường hợp khẩn cấp nguy tử thì linh mục nào cũng được phép giải tội hay xức dầu cho bệnh nhân
(x giáo luật 987, triệt 2)
Khi một linh mục phạm lỗi gì, khiến Giám mục của mình tạm rút hay rút vĩnh viễn năng quyền (thí dụ linh mục có tội về sách nhiễu tình dục trẻ em), thì linh mục tạm thời hay vĩnh viễn không được thi hành mọi tác vụ linh mục ở bất cứ nơi nào trong hay ngoài giáo hội địa phương (giáo phận). Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, nguy tử, thì dù bị rút hết năng quyền, linh mục vẫn được phép giải tội và xức dầu bệnh nhân như nói ở trên..
Giáo dân Viêt Nam vẫn quen nghe nói linh mục bị “treo chén” nhưng đúng hơn phải nói theo giáo luật là “bị rút năng quyền.”
Treo chén hay rút năng quyền (suspension of faculties) hay nói theo giáo luật là bị vạ huyền chức = suspension of faculties . (giáo luật số 1333) đều có nghĩa là linh mục tạm thời hay vinh viễn không được thi hành tác vụ linh mục (priestly ministries) như giảng dạy, làm lễ, rửa tội, thêm sức, giải tội, xức dầu bệnh nhân và chứng hôn công khai ở đâu, trừ trường hợp khẳn cấp nguy tử của bệnh nhân thì linh muc vẫn phải làm nhiệm vụ, dù đang bị “rút năng quyền”.
Riêng các linh mục Dòng, nếu muốn thi hành tác vụ linh mục trong phạm vi một giáo phận thì, ngoài năng quyền do Bề Trên Dòng trao cho, cũng phải xin năng quyền nơi Bản quyền địa phương (giáo phận) nếu muốn làm mục vụ ở địa phương đó, theo đề nghị của Bề Trên Dòng liên hệ. Khi năng quyền này bị rút thì cũng không được phép thi hành năng quyền nơi cấp phát nữa.


Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

PS: Một câu hỏi BỐ SUSU thắc mắc đó là Linh mục bị treo chén vẫn còn là Linh mục hay không?

BỐ SUSU SƯU TẦM
08-2015

23 nhận xét:

  1. Theo như những gì Bố susu đã post bên trên, tôi nhận thấy như sau:

    "Treo chén" là từ đơn giản của người Thiên Chúa giáo để chỉ một linh mục do phạm một lỗi gì đó, bị Giáo hội chiếu theo điều lệ (luật của Giáo hội) mà phạt. Treo chén nếu chỉ hiểu theo đúng từ là chỉ không được cử hành Thánh lễ. Nhưng ở đây luật Giáo hội quy định là "không còn được thi hành những quyền năng của một linh mục" trong điều kiện bình thường.

    Bố susu đặt câu hỏi: Linh mục bị treo chén vẫn còn là Linh mục hay không?

    Tôi nghĩ, nếu theo Giáo luật bên trên thì tuy bị "rút năng quyền (suspension of faculties)", nghĩa là không còn được thi hành những năng quyền bình thường của linh mục, nhưng KHÔNG bị truất danh hiệu Linh mục. Nhưng một linh mục mà bị như thế thì cũng chẳng còn là linh mục nữa. Tựa như Tướng cầm quân mà bị truất mất quyền cầm quân, thì có mang danh hiệu Tướng cũng gần bằng không.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Hiệp ơi, nếu như vậy một linh mục khi bị treo chén phải ở tại nơi quy định của giáo phận để thành tâm xám hối hay linh muc đó đc về sống tại gia với gia đình.
      Và giáo luật có quy định đc quyền hủy treo chén với linh mục đã bị treo chén hay không?

      Xóa
    2. Tôi không rõ những quy định Giáo luật của TCG ra sao với những điều Bố susu thắc mắc. Nhưng TCG là một tổ chức chặt chẽ, phát triển từ Tây phương, cho nên tôi nghĩ những Giáo luật có lẽ hợp lý hơn các tôn giáo khác. Theo tôi chắc Giáo hội sẽ có những quy định, tùy theo lỗi nặng nhẹ mà treo chén, có thời hạn, hoặc tước bỏ luôn chức linh mục. Có lẽ khi bị treo chén có thời hạn linh mục vẫn ở lại nhà xứ (để sửa mình), còn lỗi nặng bị "cách chức" luôn chắc sẽ ra ngoài (trở về nhà).

      Xóa
    3. Một người bạn của cháu có nhận xét ntn:
      "Trần Minh Thao: Treo chén là LM không còn quyền năng cử hành những bí tích, nhưng chức năng LM vẫn còn, bởi LM là LM đời đời"
      như vậy có nghĩa LM sẽ ko bị "cách chức" sau khi bị treo năng quyền mà vẫn phải chịu sự quản lý của Giám mục Giáo phận.

      Xóa
    4. Treo chén nhưng chưa bị cách chức linh mục thì vẫn còn là linh mục, nhưng "LM là LM đời đời", tôi nghĩ không đúng. Tôi biết có trường hợp LM phạm lỗi trọng, bị cách chức, trở về làm dân thường, hoặc đã là LM nhưng tự ý bỏ về làm dân thường thì Giáo hội hủy chức LM,

      Xóa
    5. http://www.xuanha.net/LINHMUC/tr-linhmucdoidoi-gp2.htm

      Xóa
    6. cám ơn thông tin của bạn Thao Tran.
      Trích từ link của bạn Thao Tran cung ấp:

      Linh mục đời đời
      Chuyện kể là: Có một linh mục kia là cha xứ của một xứ đạo bên nước Ý. Hôm đó cha phải về Roma để dự cuộc hội thảo trong tòa Thánh trong vài ngày.
      Một buổi chiều, được nghỉ vài giờ trưa, ngài liền đi tới một nhà thờ để cầu nguyện. Ngài đã đi qua đám người hành khất ngời ở ngoài cửa thánh đường. Trong đám người đó, có một người nhìn ngài với khuôn mặt rất quen thuộc. Bước đi rồi trở lại, ngài hỏi người ăn mày: Có phải là là…Người đó xác nhận:
      -Thưa cha, đúng là tôi. Xưa kia, tôi đã học chung một lớp với cha trong chủng viện, và lãnh chức linh mục cùng năm, nhưng vì tôi đã đi con đường sai, nên đã ra nông nỗi này.
      Nghe vậy, vị linh mục không thể nào tin được. Nhưng vì ngài phải trở về Vatican để kịp cuộc hội thảo buổi chiều, nên ngài bỏ giở câu chuyện.
      Sau cuộc hội thảo, các Linh mục được vào yết kiến ĐTC Gioan Phaolo 2. Đến lượt linh mục đó được ĐTC đi qua trước mặt, ngài liền thưa với ĐTC: xin ĐTC cầu nguyện cho linh mục bạn mà nay đã trở thành người ăn mày ở ngoài cửa nhà thờ. ĐTC liền nói nhỏ với linh mục điều gì không biết, nhưng sau đó, cha kia vội đi ra, mong gặp lại người bạn cũ, rất may vẫn còn ngồi đó.
      Gặp được ông bạn, ngài nói ngay:
      - Tôi mới xin ĐTC cầu nguyện cho anh và Ngài tối mai tới dùng cơm tối với Ngài.
      - Người ăn mày chối ngay: Làm sao được, tôi đâu còn tư cách gì để đồng bàn với Đức Giáo hoàng? Tôi chỉ là kẻ ăn xin? Tôi đâu còn là linh mục? Tôi cũng chẳng có quần áo đàng hoàng mà mặc, không có chỗ mà tắm nữa.
      - Anh cứ về phòng tôi. Tôi sẽ cho anh mượn bộ quần áo, và có chỗ tắm rửa đàng hoàng.
      Ngày hôm sau, 2 người bạn bè này được linh mục Thư kí ĐGH dẫn vào gặp vị Cha chung.
      Sau cơm tối, ĐTC đưa mắt nhìn vị linh mục, ra dấu cho ngài ra ngoài.
      Còn lại ĐTC và linh mục ăn mày, ĐTC liền nói: " Cha có thể giải tội cho con được không?
      Quá bỡ ngỡ, người ăn mày từ chối:
      - Con đâu còn là linh mục, con đã hồi tục rồi.
      - Một khi đã là linh mục thì mãi mãi là linh mục.
      - Nhưng con đã xa rời Hội thánh rồi.
      - Tôi ban lại năng quyền cho cha.
      Nghe vậy, linh mục ăn mày không biết nói gì hơn, liền nghe ĐTC xưng tội. Giơ tay giải tội xong, linh mục ăn mày liền quì sụp xuống đất khóc nức nở, và xin ĐTC giải tội cho mình. Sau đó ĐTC hỏi linh mục kia gặp ngài ở nhà thờ nào? ĐTC truyền cho ngài ngày mai đi gặp cha xứ nhà thờ đó. Cha ăn mày sẽ là cha phó, và có nhiệm vụ chăm sóc, hướng dẫn cho những người hành khất vẫn kéo đến ăn xin.
      (Chuyện do một linh mục kể trên đài EWTN, Diana ghi lại)

      Xóa
    7. Tôi nêu ra đây một trường hợp rất điển hình ở Sài Gòn, để Bố susu xem và suy nghĩ. Bố susu vào Google gõ Nguyễn Ngọc Lan Wikipedia sẽ thấy. Ông là một LM dòng Chúa Cứu Thế, Tiến sĩ triết học Sorbonne, làm GS. tại nhiều trường đại học. Ông là một nhà tranh đấu cho tự do, nhân quyền, thời nào ông cũng tranh đấu. Năm 1976 ông hoàn tục, lấy vợ và có con cái. Về trường hợp này Bố susu thử suy nghĩ: (Khi ông đã hoàn tục, lấy vợ và có con)

      1/- Đối với người đời có còn coi ông ấy là LM không?
      2/- Đối với Giáo hội cũng thế, có còn coi ông ấy là LM không?

      Theo tôi thì khi đã hoàn tục, lấy vợ và có con, thì cả người đời và Giáo hội đều không còn coi GS. Nguyễn Ngọc Lan là LM được nữa.
      Còn nếu là LM đời đời (sau khi một người đã được thụ phong LM), thì như trường hợp của GS. Nguyễn Ngọc Lan, sau khi hoàn tục, lấy vợ, có con mà Giáo hội vẫn coi là LM thì thật lạ. Trường hợp tương tự như GS. Nguyễn Ngọc Lan không phải là cá biệt.

      Xóa
    8. với trường hợp GS Nguyễn Ngọc Lan đúng thật là rối. Chắc cả giáo dân và giào hội không coi ông ấy là LM nữa rồi.
      Ngày mai chủ nhật đi lễ, cháu sẽ hỏi thử Cha xem Cha trả lời vụ này ntn???

      Xóa
    9. LM hoàn tục lấy vợ, có con cái, tôi biết vài trường hợp, họ sống bình yên đến hết đời, nhưng thực tế là không còn ai xem họ là LM nữa.

      Tôi không rõ Luật lệ của TCG có quy định một người đã thụ phong LM thì sẽ được mang Thiên chức LM SUỐT ĐỜI, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào hay không? NHƯNG NẾU có quy định như thế (đặt giả thiết NẾU) thì trong trường hợp LM hoàn tục, có gia đình, con cái, mà vẫn được coi là LM thì lại trái với quy định khác, là LM KHÔNG ĐƯỢC lập gia đình.

      Có lẽ bên PG cũng thế, một nhà Sư (chẳng hạn Đại Đức) có thể có gia đình rồi mới xuất gia (như Đức Phật), nhưng khi đã là nhà Sư mà hoàn tục lập gia đình, có con cái, thì không thể là nhà Sư được nữa.

      Bố susu thử hỏi Cha xem sao? Nhưng phải nêu rõ ý như tôi nhé.

      Xóa
    10. Bố susu nhớ khi hỏi Cha thì cần hỏi rõ xem có QUY ĐỊNH tức là Giáo luật, nói rõ về việc này không? Chứ Cha mà lại nêu những chuyện đại loại người ăn mày như trên thì "bù trất" luôn, những chuyện này không phải là QUY ĐỊNH (Giáo luật).

      Xóa
    11. Cháu có tham khảo Cha về vấn đề này và đc giảng giải như sau:
      Chức Linh mục là vĩnh viễn và không thể tháo gỡ. Linh mục không có các năng quyền thì không thể làm bất kì một nhiệm vụ nào của chức Linh mục.(giống như bác nói một vị tướng mà mất quyền cầm quân)
      Linh mục nếu tự ý hoàn tục sẽ có một động tác của Tòa thánh chuyển đổi từ Linh mục sang giáo dân. Lúc này chức Linh mục vẫn còn nhưng không có ý nghĩa và đặc ân nào hết vì không còn bất kỳ năng quyền nào.
      Và quan trọng nếu người này sau khi hoàn tục và có ý định quay lại làm Linh mục vẫn có thể được và không cần làm lễ phong chức Linh mục nhưng phải được sự đồng ý của Tòa thánh. (Nhưng thường thì trường hợp này rất hiếm).
      Như vậy, theo cháu nghĩ chắc chắn trong Giáo luật sẽ có những quy định về vấn đề này nhưng có thể trong một cuộc trao đổi ngắn này có thể Cha chưa nói rõ Giáo luật đó là điều nào.

      Xóa
    12. Tôi cũng đã tìm đọc được một bài viết của một LM trên trang Tổng Giáo Phận TP HCM, sau khi xem kỹ xong đã rõ, đây là một vấn đề khá "nhạy cảm" của Giáo hội TCG, nhưng theo trang này thì MỘT KHI CHỨC LM ĐÃ ĐƯỢC TRAO CHO MỘT NGƯỜI LÀ VĨNH VĨEN, ĐÔI VỚI GIÁO HỘI. Tôi nhấn mạnh chữ ĐÔI VỚI GIÁO HỘI, cho dù họ có tự ý hoàn tục, hay được cho hoàn tục, hoặc bị cho hoàn tục do phạm kỷ luật, không còn được phép thực hành các Năng quyền.

      Nhưng với xã hội thì người đó lại KHÔNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN MÌNH LÀ LINH MỤC trong câu sau: "Một khi hồi tục, người đó không còn được thi hành các chức vụ linh mục trong giáo hội như làm lễ, ban các bí tích khác, không được mặc tu phục, và không được công nhận mình là linh mục nơi công cộng".

      Tôi địng copy post bài này, nhưng không được vì khá dài, Bố susu có thể vào trang của TổngGiáo Phận TP HCM để xem bài này với tựa đề "LM với vấn đề hồi tục" bài viết của LM Nguyễn Khắc Hy.

      Xóa
    13. Tìm hiểu thì thấy khá ngộ, đoạn tôi trích sau đây trong bài viết của LM Nguyễn Khắc Hy xác định:

      Thần Học Chức Linh Mục Đời Đời

      Trong khi một linh mục hồi tục, dù không còn được làm các bí tích, câu hỏi là người đó có còn là một Linh Mục của Chúa Kitô không? Câu trả lời là: Còn, vì chức linh mục là chức thánh muôn đời. Nghĩa là, một người khi đã lãnh nhận chức linh mục thì không bao giờ mất được chức thánh đó.

      Giáo luật 290 nói: “chức thánh, một khi đã được lãnh nhận cách hữu hiệu, thì không bao giờ mất được. Tuy nhiên, giáo sĩ có thể mất hàng giáo sĩ…”[3]

      Giáo lý Công Giáo số 1583 dạy: “Người lãnh nhận chức thánh thành sự, vì lý do hệ trọng, có thể được chước miễn những bổn phận và chức vụ gắn liền với chức thánh hay bị cấm thi hành chức vụ, nhưng không thể trở về bậc giáo dân đúng nghĩa vì ấn tín bí tích Truyền Chức không thể xoá bỏ được. Ơn gọi và sứ mạng đã lãnh nhận trong ngày chịu chức thánh vẫn tồn tại mãi mãi.”

      Hết trích.

      Như vậy là đối với Giáo hội thì người đã nhận lãnh chức LM không bao giờ mất được chức thánh đó (LM đời đời), cho dù người đó đã tự ý hồi tục và có vợ con (khi có vợ như thế người ấy không được làm Bí tích hôn phối, tức là đã mất phép Thông công).

      Điều tôi thấy ngộ là ở chỗ đó, bị mất hết Năng quyền, rút phép thông công (ít nhất là với Bí tích hôn phối), không được nhận mình là LM nơi công cộng, nhưng với Giáo hội họ vẫn cứ là LM.

      Xóa
    14. chắc do đó là Thánh chức nên mãi mãi tồn tại và đúng là có những quy định mà chúng ta không thể nào hiểu đc héng bác Hiệp :)

      Xóa
  2. Bố susu đừng giận chị nhé ! Hỏng hiểu sao chị thấy có lời com được em xóa bên trang nhà của chị nên chị muốn xóa hẳn luôn ...ai dè lại bị mất luôn lời com của em thật sự ...híc ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. hihi, để em qua em còm lại là đc mà, ko sao đâu chị :)

      Xóa
  3. Đọc xong chị cũng không rành nên không gởi lời com gì hết , nhưng qua thăm em là được rồi . Ngày thật vui và thật hạnh phúc bên gia đình nhé em !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. chị qua nhà em chơi là em dzui ơi là dzui rồi :)

      Xóa
  4. Bác Bố SUSU ơi !
    Nếu chỉ nói theo cách xưa của các Cụ : Treo Chén...
    Thì là hàm ý trực tiếp dễ hiểu là " Tạm thời cất Chén đi....không được phép cử hành Thánh Lễ" hi ...hi
    PS nghĩ thời gian này LM bị treo...Sẽ phải được chỉ định đến một nơi nào đó ,dưới sự giám sát của Bề trên hoặc Giám mục.
    Còn từ Năng Quyền, là quyền được ân ban cho mỗi Tân LM.
    Nên sau khi thụ phong,Tân LM vẫn còn phải chờ....ơn Năng quyền từ Hàng Giáo Phẩm ban cho (để cử hành mọi bí tích và nghi thức của một LM thực thụ)
    Cá thể Bị treo chén ,chức LM vẫn còn mãi mãi, nhưng không còn Năng Quyền ...( bị Treo mà !!!)

    Cảm ơn Bác về bài viết. Thương chúc bác luôn bình an trong tình Chúa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. cám ơn bác Phong Sương đã ghé thăm nhà và giải thích thêm về vấn đề này. Cũng mến chúc bác luôn bình an trong tình yêu Thiên Chúa.

      Xóa
  5. Salam theo Đạo Mẫu nên ít biết về Công giáo
    Chúa Jesu có nói " Hãy tha thứ cho họ về những việc họ làm mà ngay cả bản thân họ cũng không hiểu " . Hồi trước có đọc cuốn sách ". Tiếng chim hót trong bụi mận gai " của nữ sĩ Colleen Mcullough viết về câu chuyện tình yêu của cô bé Meggie với cha xứ Ralph rất là hay. Đó là cuốn tiểu thuyết nói rất nhiều về các quy tắc ứng xử trong nhà thờ . Cha Rallph ngoài bị treo chén còn bị rút phép thông công nữa ... tiếc là cuốn sách đó bị tụi nhở dọn nhà chúng bán ve chai mất rồi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Con rể bác Salam không biết có vào đây đọc ko nhỉ? Nếu có chắc là bác Salam sẽ có quà ngay cho coi :)

      Xóa

BỐ SUSU CÁM ƠN BẠN ĐÃ GHÉ THĂM VÀ ĐĂNG NHẬN XÉT TRONG BLOG.

LÊN ĐẦU TRANG