1 tháng 10, 2013

NGÔI MỘ VÕ TÁNH Ở TÂN BÌNH???

Sau khi đăng Phần 1: LĂNG HOÀI QUỐC CÔNG VÕ TÁNH ở Phú Nhuận, Bố susu được bác Võ Viết Dũng nhờ tìm hiểu thêm thông tin về một ngôi mộ được cho là của ông Võ Tánh ở Tân Bình.

Đến hôm nay mới có câu trả lời được cho bác Dũng và cũng qua bài này mong mọi người xác nhận thông tin trên.
Nếu ngôi mộ gió chính danh Võ Tánh tọa lạc trên đường Hồ Văn Huê, Phú Nhuận thì ngôi mộ này nằm trên đường Nguyễn Thái Bình, Tân Bình. 2 ngôi mộ này không xa nhau tính về khoảng cách địa lý và khoảng 10p khi di chuyển bằng xe máy. 

Đã đi qua lại nhiều lần trên con đường này và bản thân cũng thắc mắc nhiều về ngôi mộ này nhưng do chưa tìm hiểu và cũng không có nhiều thông tin về ngôi mộ này nên ngôi mộ này thực sự đang chôn cất ai cũng là một câu hỏi lớn.
 Mặt trước ngôi mộ. Vì ngôi mộ nằm ngay ngã ba đường nên rất dễ nhận ra ngôi mộ này.
Tấm bia chính của ngôi mộ không còn, thay vào đó là là một bia mộ bằng chữ Việt. Bia mộ ghi rõ Ông Võ Tánh, Đại Nam Quốc, mất ngày 27-07-1801.
Thông tin về ngày mất thì gần kề với ngày mất của ông  " Võ Tánh tuẩn tiết vào ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu, tức nhằm ngày 7 tháng 7 năm 1801."
 Bia đá nhỏ được dựng quanh mộ với nhiều chữ Hán.
Ngôi mộ được xây dựng theo chiều ngang và ngắn về chiều sâu. Với quy mô lớn như vậy nhiều thông tin cho rằng nó phải là mộ của một vị quan quyền hoặc người có thế lực, giàu có nào đó.
Ngôi mộ bây giờ trông hoang tàn, đổ nát do sự phá hoại của con người và sự hao mòn của thời gian.
Khu mộ được xây bằng hợp chất khá chắc chắn gắn liền với nhiều đồn đại của người dân. Theo họ kể, từ trước giải phóng khu mộ này đã từng là mục tiêu của bọn đào mồ trộm, săn tìm cổ vật. Bọn chúng ít nhất đã ba lần mang cuốc, đục tới nhưng rồi đều phải van vái rồi bỏ về "vì cứ chạm cuốc vào là gãy ngay".
 Rêu xanh phủ đầy trên những phiến đá.
Thật sự thì ngôi mộ này bao nhiêu tuổi???
Người dân quanh đó vẫn nhang khói hàng ngày cho ngôi mộ.

Một ngôi mộ với rất nhiều điều bí ẩn vì không có nhiều tư liệu nói về ngôi mộ này nên không thể khẳng định đây là ngôi mộ của Hoài Quốc Công Võ Tánh.

Như vậy đến nay có 5 địa điểm thờ tự Võ Tánh:
1) Mộ Võ Tánh ở thành Hoàng Đế
2) Miếu thờ Hoài Quốc Công Võ Tánh tại Gò Công
3) Mộ Võ Tánh ở Phú Nhuận
4) Mộ Võ Tánh ở Tân Bình???
5) Phủ thờ Hoài Quốc Công Võ Tánh tại Cố đô Huế


Tham khảo:
Phần 1: LĂNG HOÀI QUỐC CÔNG VÕ TÁNH
Phần 2: NGÔI MỘ VÕ TÁNH Ở TÂN BÌNH???
Phần 3:
Phần 4:

Phần 5:




Bố susu
10-2013

28 nhận xét:

  1. Có 2 tấm hình bia đá có chữ Hán, Bố susu nhờ bác Hiệp, bác Bu, bác Toro dịch giúp nội dung được khắc trên bia đá là gì ạh

    1.
    [img]https://lh3.googleusercontent.com/-MXpugJFH1rU/UkW3OU_o-GI/AAAAAAAAit4/4-s1AzQE_dY/s800/votanhtb-9.jpg[/img]


    2.
    [img]https://lh3.googleusercontent.com/-zWaL9394oTg/UkW3AjQfx4I/AAAAAAAAisY/MgbB0_AHYJc/s800/votanhtb-10.jpg[/img]

    Trả lờiXóa
  2. Sao hồi trẻ ờ Saigon chị ko nghe về ngôi mộ này nhỉ ?
    Không biết trước 1975 được chăm sóc ra sao chứ bây giờ nhìn mộ một danh tướng đời nguyễn sao buồn thế

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. có thể ngày xưa khu này nằm trong khu quân sự nên có thể chị ko biết đc :)

      Xóa
  3. Mộ Võ Tánh nằm trong nội cung thành Hoàng Đế của Nguyễn Nhạc, cũng là thành Đồ Bàn của vua Chăm. Mộ hình tròn trên có đắp biểu tượng một con dơi, nằm kề bên mộ Ngô Tùng Châu hình chữ nhật (đã được cải táng về Phù Cát). Theo Vương Hồng Sển, thì thi hài Võ Tánh đã bị cháy hết. Sau, vua Gia Long sai lập một mộ nữa cho ông ở Phú Nhuận (nay tọa lạc tại hẻm số 19 đường Hồ Văn Huê) và chôn hình nhân bằng sáp [3]
    Trước 1975, Sài Gòn có hai đường Võ Tánh: một thuộc Phú Nhuận (gần khu mộ Võ Tánh, nay là đường Hoàng Văn Thụ), một là phần thuộc quận 1 của đường Nguyễn Trãi hiện nay.
    Tại đầu ấp Gò Tre, xã Long Thuận, thị xã Gò Công, hiện có ngôi đền thờ Võ Tánh mang tên là Võ Quốc Công Miếu.

    Trả lờiXóa
  4. Tư liệu trên chị search trên google.

    Trả lờiXóa
  5. Rất khó tin đây có thể là ngôi mộ của Võ Tánh.
    Đây thật là một câu hỏi lớn chờ các bậc uyên thâm giải đáp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. em cũng nghĩ như thế, chẳng có thông tin gì ngoài bia mộ đc ghi bằng chữ quốc ngữ

      Xóa
  6. Võ Tánh (?-1801), ông là tướng của Nguyễn Ánh, tiếc thay trong trận chiến cuối cùng với quân Tây Sơn ở thành Bình Định ông đã bị vây hãm và tự thiêu mà chết. Có lẽ xác ông không còn. Tôi thử tra nhanh trên vài quyển sách đáng tin cậy, Đại Nam Nhất Thống Chí, Gia Định thành thông chí, Từ điển Saigon-TPHCM về thân thế của ông, chỉ thấy Từ điển Saigon-TPHCM nói lăng của ông được xây và thờ ở quận Phú Nhuận.
    Về ngôi mộ bố susu đưa lên thỉnh thoảng đi qua tôi có thấy nhưng không chú ý lắm. Theo cách xây mộ bằng hợp chất ô dước rất chắc chắn, thì mộ có cả trăm năm nay, nhưng có phần chắc không phải là của Võ Tánh (vì xác ông không còn, lăng (thờ vọng) đã được xây), mà có thể là của một vị quan lại thời Nguyễn. Có thời giờ tôi thử tra mấy chữ Hán xem sao.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo Từ điển Saigon-TPHCM (chủ biên Thạch Phương-Lê Trung Hoa, NXB Trẻ ấn hành năm 2001), thì xương cốt của ông được vua Gia Long đưa về an táng và thờ tại lăng ở quận Phú Nhuận.

      Xóa
    2. Trong 2 tấm bia chữ Hán, 1 tấm chữ đã mờ, nhưng nói chung không thấy bia nào có chữ VÕ TÁNH. Chắc đây là mộ của ai đó rồi. Nói chung là những dòng chữ Việt ghi là Võ Tánh... không đáng tin cậy.

      Xóa
    3. cám ơn những ý kiến của bác Hiệp để sáng tỏ hơn những vấn đề còn khúc mắc.

      Bố susu rất mong nhận đuuợc các ý kiến các của mọi người về vấn đề này

      Xóa
  7. Ngày tháng năm trên tấm bia ghi bằng số là 27-7-1801, chữ ghi quốc ngữ là ĐẠI NAM QUỐC, năm 1801 vua Gia Long chưa lên ngôi, còn ĐẠI NAM QUỐC (Nước Đại Nam thì đến thời Minh Mạng mới có), cho nên những chữ viết quốc ngữ này không đáng tin chút nào hết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. thông tin về ngôi mộ hầu như không có gì ngoài bia mộ ghi chữ quốc ngữ và một vài chữ Hán tên các bia đá xung quanh.
      Vẫn còn là một điều bí ẩn về ngôi mộ này

      Xóa
  8. Nếu thật sự đó là ngôi mộ của ông thì thật là buồn đó em ạ ...vì mộ của ông sao thê thãm quá ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngôi mộ vẫn còn nhiều điều bí ẩn lắm chị ơi nên không thể xác nhận đây là mộ của ông Võ Tánh đc

      Xóa
  9. Trả lời
    1. cám ơn bác MC nhiều, bác cũng có một ngày thật an lành nhé :)

      Xóa
  10. Xin chào Quý thân hữu của Bố Susu và bạn .
    Đã lâu mới có dịp thăm lại và bất ngờ điều tôi nhờ bạn đã được thực hiện ngoài mong đợi
    vì có thêm nhiều người chia sẽ ý kiến;
    - Qua loạt ảnh tôi như thấy trước mắt ngôi lăng mộ cổ có liên quan đến ông Cố cao cao
    của mình dưới lớp sương mù huyền bí xen lẩn thích thú tại nới xưa kia Ông từng tham chiến,
    một vùng đất gần quê hương của Ông ,Tỉnh Trấn Biên nay là Bà Rịa. Dù phải còn nhiều thời gian
    và công sức của nhiều "chiến hửu" quan tâm mới xác nhận được gốc tích Người nằm dưới
    ngôi mộ cổ, thì trong sâu lắng tôi thầm thắp nén tâm hương để tưởng nhớ người xưa của một đưa cháu chút chít của Ông.
    - Tôi đã xem kỷ từng tấm ảnh chụp dưới nhiều góc độ diển tả đúng chút hoài cổ cho người xưa, một cận cảnh , một tổng thể suy tư đầy cảm hứng của nhiếp ảnh gia bố susu.
    Đây là những hình ảnh quý khởi đầu tìm hiểu thêm về Lăng mộ Hoài Quốc Công Võ Tánh
    ngoài 2 lăng mộ ở Thành Hoàng Đế (Bình Định) và lăng mộ ở Quận Phú Nhuận.
    Những hình ảnh này đã được đưa lên trang website để rộng đường dư luận, bước đầu
    giúp con cháu Võ Tánh hành hương viếng thăm...
    Do Hoài Quốc Võ Tánh tử tiết năm 33 tuổi (1768-1801) lập nên nhiều công trạng , được phong Khâm sai chưởng hậu quân; Bình Tây tham thặng Đại tướng quân ...sau này vua Minh Mạnh truy phong Hoài Quốc Công, nhưng đường con cháu rất ít , người chỉ có một người con với Công chúa Ngọc Du (em vua Minh Mạnh). Hậu duệ đều ở miền Trung và chưa từng biết đến ngôi mộ này?!
    Và cũng mong biết được cơ quan nào quản lý di tích lịch sử này đến nay đã tàn phai mưa nắng
    Cũng bổ sung thêm 1 địa chỉ thờ Hoài Quốc Công Võ Tánh vào 4 địa điểm đã nêu trên;
    Là phủ thờ Hoài Quốc Công Võ Tánh tại Cố đô Huế do triều đình cấp đất, xây dựng cũng như cấp nhiều thửa ruộng"Nhứt điền" để lo cúng tế , phủ thờ tại 51, đường Võ Tánh nay là 51, Nguyễn Chí Thanh, Huế.
    Rất mong những đóng góp nhận xét, phát kiến thêm về ngôi mộ cổ được cho là "dính dáng" đến Tam hùng Gia Định.
    Chúc quý ban và bố susu ngày vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. rất vui khi bác Dũng đã có thêm những thông tin cần thiết. rất mong các cơ quan chức năng có trách nhiệm quan tâm hơn đến ngôi mộ cổ này.
      Cám ơn thông tin về nơi thờ phượng ông Võ Tánh ở Huế, vậy là có 5 địa điểm thờ cúng ông Võ tánh ở Việt Nam đến bây giờ, Bố susu sẽ cập nhật thêm thông tin này.

      Xóa
  11. Xin được dẫn đăng bài trên báo Thanh Niên ngày 25/01/2013 :

    Theo dấu người xưa
    Kỳ 32: Cảm thương quan Hậu thủ thiềng ba năm
    25/01/2013 00:15
    Trong thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, TX.An Nhơn, Bình Định) còn lại nền móng Song Trung miếu thờ hai vị trung thần triều Nguyễn là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.
    Hai ngôi mộ cổ
    Đặt chân đến thành Hoàng Đế, nhìn cảnh hoang phế, không ít người xúc cảm khi biết nơi đây từng là kinh đô của vương triều Tây Sơn (1776-1799). Võ Tánh là vị anh hùng duy nhất không phải người Bình Định, không phải người của nhà Tây Sơn nhưng lại được nhân dân địa phương đưa vào ca dao: “Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên/Cảm thương quan Hậu thủ thiềng (thành) ba năm”. Hằng năm, vào ngày giỗ Võ Tánh (27.5 âm lịch), người dân thường mang lễ vật, tiền bạc đến làm lễ cúng.

    Mộ Võ Tánh - Ảnh: Hoàng Trọng

    Theo sách Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn, năm 1801, khi quân Tây Sơn tái chiếm thành Hoàng Đế, Hậu quân Võ Tánh lên lầu Bát Giác tự thiêu, Lễ bộ Ngô Tùng Châu uống thuốc tự vẫn. Sau khi thống nhất đất nước, năm 1802, vua Gia Long sai người đến Bình Định thu lượm hài cốt Võ Tánh đưa về chôn ở Gia Định. Lại cho dựng đền thờ ngay tại chỗ từng là lầu Bát Giác, gọi là Bát Giác lâu từ để thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.
    Năm 1850, vua Tự Đức đổi tên Bát Giác lâu từ thành Chiêu Trung từ, nhưng người dân địa phương vẫn quen gọi là Song Trung miếu. Song Trung miếu tồn tại đến năm 1946 phải dỡ bỏ vì nằm trong kế hoạch “tiêu thổ kháng chiến”. Ngày nay, dấu vết Song Trung miếu chỉ còn lại nền gạch sau Tam quan của Tử cấm thành.
    Tác giả Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa khẳng định ngôi mộ của Võ Tánh ở Gia Định nay tọa lạc tại hẻm số 19 đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Sử sách triều Nguyễn không nói đến chuyện lập mộ Võ Tánh tại Bình Định, nhưng vẫn tồn tại một ngôi mộ trong thành Hoàng Đế được xác định là của Võ Tánh đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi đến nay chưa ngã ngũ.
    Theo cuốn Song Trung miếu và thơ xướng họa của tác giả Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, nền mộ Võ Tánh tại thành Hoàng Đế hình vuông, mỗi cạnh 4 m, tượng trưng cho đất. Nấm mộ hình nửa khối cầu úp xuống, cao 1 m, tượng trưng cho trời. Tuy nhiên, vào năm 1968 ngôi mộ này đã bị sửa sang không còn hình dáng như cũ. Ngôi mộ cổ còn lại nằm dưới chân mộ Võ Tánh được xác định là của Thống binh Nguyễn Tấn Huyên. Mộ của Ngô Tùng Châu được gia tộc đem về an táng tại quê nhà ở H.Phù Cát (Bình Định).
    Gần mộ Võ Tánh hiện nay còn có một lầu Bát Giác khiến nhiều người nhầm tưởng là di tích điện Bát Giác của hoàng đế nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc hay Bát Giác lâu từ được xây dựng từ thời vua Gia Long. Tuy nhiên, theo tác giả Lộc Xuyên Đặng Quý Địch thì lầu Bát Giác hiện nay mới được xây dựng từ năm 1938, là năm Phó bảng Đào Phan Duân đứng ra trùng tu Song Trung miếu. Lầu Bát Giác này để che nắng che mưa cho tấm bia ghi công Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đặt chính giữa nền lầu.
    Những bề tôi trung nghĩa
    Tổ tiên của Võ Tánh ở Biên Hòa, sau dời nhà đến Bình Dương. Sinh thời, Võ Tánh cùng Đỗ Thành Nhân, Châu Văn Tiếp được mệnh danh là Gia Định tam hùng. Khi quân Tây Sơn tiến đánh Gia Định, chúa Nguyễn bỏ chạy, Võ Tánh tập hợp lực lượng chống lại. Năm 1787, Võ Tánh quy thuận nhà Nguyễn và được phong làm Tiên phong dinh, Khâm sai Tổng nhung chưởng cơ rồi được kết hôn với Trưởng công chúa Ngọc Du.
    (còn tiếp)

    Trả lờiXóa
  12. ...
    Sách Đại Nam liệt truyện kể lại rằng, năm 1799, nhà Nguyễn chiếm được thành Hoàng Đế của nhà Tây Sơn, giao Hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ Ngô Tùng Châu trấn giữ. Thiếu phó nhà Tây Sơn Trần Quang Diệu và Tư đồ Võ Văn Dũng từ Phú Xuân (Huế) đem quân thủy, bộ tiến đánh nhằm chiếm lại thành Hoàng Đế. Võ Tánh thu quân vào thành trấn thủ, sai người vào Gia Định báo cáo tình hình với chúa Nguyễn.
    Biết Võ Tánh có thể cầm cự được hơn 1 năm nên năm sau chúa Nguyễn Phúc Ánh mới thân chinh đi giải vây. Quân Nguyễn thắng quân Tây Sơn ở cửa biển Thị Nại nhiều lần nhưng vẫn không giải vây được thành Hoàng Đế. Chúa Nguyễn bảo với chư tướng rằng: “Thà để mất thành, không để mất tướng giỏi của ta”, rồi cho người mang thư lặn xuống nước lẻn vào thành bảo Võ Tánh phá vây mà ra hội với đại binh. Tuy nhiên, Võ Tánh sai bà Nguyễn Thị Hảo (vợ Tri bạ Phan Văn Hán) lẻn ra ngoài mang thư khuyên chúa Nguyễn để mình cầm chân tướng giỏi, quân mạnh của Tây Sơn ở Bình Định, còn đại binh nên tiến đánh Phú Xuân, nơi quân nhà Tây Sơn không có lực lượng phòng bị. Chúa Nguyễn nghe theo và lấy được Phú Xuân.
    Phú Xuân mất, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng càng quyết liệt vây đánh thành Hoàng Đế. Biết thành sẽ không giữ được, có người khuyên Võ Tánh bỏ thành ra ngoài, ông nói: “Ta vâng mệnh giữ thành, nên cùng với thành còn hay mất, bỏ thành để tạm sống thì còn mặt mũi nào trông thấy chúa thượng nữa”. Lễ bộ Ngô Tùng Châu bàn kế đánh giặc, Võ Tánh chỉ vào đống củi dưới chân lầu Bát Giác nói: “Đấy là kế của ta”. Biết Võ Tánh sắp tự thiêu, Ngô Tùng Châu về uống thuốc tự vẫn.
    Sau khi liệm táng Ngô Tùng Châu, Võ Tánh sai người gửi thư cho Trần Quang Diệu rằng: “Trong thành lương đã hết, không thể giữ được nữa! Tướng quân thua trận chết là việc của ta, ta đã quyết kế rồi. Quân lính không có tội, chớ nên giết hại”. Sau đó, Võ Tánh lên lầu Bát Giác tự thiêu. Một người thiếp của Võ Tánh và Thống binh Nguyễn Tấn Huyên (người Quảng Ngãi) cũng gieo mình trong lửa chết theo. Hôm ấy là ngày 27.5 năm Tân Dậu (1801). Trần Quang Diệu vào thành trông thấy thương chảy nước mắt, anh hùng tiếc anh hùng, lấy lễ chôn cất Võ Tánh và không giết hại quân Nguyễn.

    Hoàng Trọng

    Trả lờiXóa
  13. Dạ chào anh . Em hiện đang là sinh viên thuộc TT nghiên cứu văn hóa Nam bộ của trường Nhân văn . Em có từng tới khu vực này khảo sát và thầy em - TS khảo cổ học Nguyễn Đức Mạnh, nhận định ràng đây là một NGÔI MỘ ĐÔI.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. chào bạn, rất vui với thông tin của bạn. Nếu được, bạn có thể cung cấp thêm thông tin về NGÔI MỘ ĐÔI để mọi người cùng biết.

      Xóa
    2. Dạ hiện tại nhóm em đang nghiên cứu nên chưa thể khẳng định chắc chắn dc. Em đã tiến hành lấy bản dập 2 văn bia và đang nhờ chuyên gia về Hán Nôm nghiên cứu. Khi nào có kết quả em sẽ thông tin cho anh liền.

      Xóa
    3. hy vọng nhóm sẽ có lời giải đáp trong thời gian sớm nhất, rất vui khi nhận được thêm thông tin của nhóm về ngôi mộ này. Nếu đc e thông tin theo đc mail
      nqminh81@gmail.com

      Xóa
  14. em đã nhờ chuyên gia đọc dòng chữ ở trên bia nhỏ r . Dòng chữ chính giữa là " Tổ lão? Hà gì gì đó chi mộ ". Tức là của 1 người họ Hà hoặc tên Hà (河). 2 bên là ngày tháng năm lập mộ .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. cám ơn em đã cung cấp thêm thông tin mới này về ngôi mộ cổ. Mong rằng các nhà khảo cổ có thể làm sáng tỏ thêm về người nằm dưới ngôi mộ này để có thể giải đáp chính xác giúp cho nhiều người đang quan tâm được biết rõ.

      Xóa

BỐ SUSU CÁM ƠN BẠN ĐÃ GHÉ THĂM VÀ ĐĂNG NHẬN XÉT TRONG BLOG.

LÊN ĐẦU TRANG