12 tháng 10, 2015

HỘI ĐUA BÒ CỦA NGƯỜI DÂN TỊNH BIÊN

Lễ hội đua bò truyền thống huyện Tịnh Biên, An Giang năm nay được tổ chức tại chùa Rô với 40 cặp bò tham dự, đây là một hoạt động truyền thống trong dịp Tết Dolta của người Khmer tại khu vực miền Tây Nam Bộ nhằm tưởng nhớ công ơn ông bà cha mẹ và tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ phum, sóc an vui.
Khai mạc vào lúc 7g30 sáng, hơn 600 người dân địa phương và du khách từ các nơi đến tham dự lễ hội tại sân đua ở chùa Rô, một không khí tấp nập của lễ hội khiến nhiều du khách từ xa đến vô cùng thích thú.
Theo luật đua, 2 đôi bò sẽ phải trải qua 2 vòng đua. Vòng đầu là “vòng hô” để đôi bò làm quen với đường đua và đến “vòng thả” khi cách đích khoảng 120m cuối 2 đôi bò sẽ ra sức tăng tốc đua về đích. Người điều khiển bò người dân gọi là “tài xế” tay cầm cây xà-lun điều khiển bò đứng trên bừa phải dùng hết sức  và các tuyệt chiêu của mình để đưa bò về đích mà không được phạm luật.
Để không phải thua cuộc do phạm luật, “tài xế” sẽ không được để bò chạy ra ngoài đường đua, không để bò đạp lên bừa của đôi bò phía trước khi chưa vào khu vực nước rút, “tài xế ” không được té… Trong cuộc đua, có nhiều đôi bò đã bị loại vì đã vi phạm luật.
Cuối cùng đôi bò số 4 do “tài xế” Châu Chên, người xã An Cư điều khiển đã đoạt chức vô địch của hội đua bò năm nay. 
Một lễ hội truyền thống thật độc đáo của người dân Khmer nơi đây, hình ảnh những đôi bò khỏe mạnh với cặp sừng cong vút lao nhanh về đích, những tiếng hô của “tài xế” khi thúc bò về đích với cảnh nước bắn tung tóe, các “tài xế” với chiếc khăn rằn quấn quanh đầu, những bộ đồ thi đấu giản dị, sự người dân quan tâm đến cuộc đua và những tò mò của các du khách từ xa đến càng làm cho lễ hội đua bò năm nay thật nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng những ai đã đến đây chứng kiến cuộc đua.
Một số hình ảnh của hội đua bò, BỐ SUSU xin chia sẻ cùng mọi người.
Sau lễ khai mạc, các đôi bò diễu hành một vòng quanh ruộng đấu.
Năm nay huyện Tịnh Biên đồng ý để chùa Rô tổ chức hội đua bò theo cách truyền thống của người dân Khmer, không bị nhuốm màu thị trường như những năm trước khi bên TDTT của tỉnh tổ chức. Trong khi thi đấu cũng có những tranh cãi nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc về sư cả và tui thấy sư giải quyết rất hay "đây chỉ là một hội thi không đặt nặng thắng thua nên nếu không đồng ý tiếp tục thì cả 2 đôi bò đều bị loại."
Một đôi bò trước một trận đấu. Những con bò này được chăm sóc kỹ lưỡng, hầu như chỉ một việc luyện tập để chạy đua mà thôi. Cặp bò nào giành chiến thắng là một niềm vinh dự cho chủ bò và cả phum, sóc.
Rất đông các nhà báo và các nhiếp ảnh gia đến săn ảnh trong hội đua bò. Nguyên khúc này hầu như không có người dân địa phương đứng theo dõi mà nhường hết cho những vị khách hiếu kì kia săn ảnh đã đời.
Lao nhanh về đích khi đến vòng "thả"
Nước rút
Đây là cú đạp rớt bừa của cặp bò sau đối với cặp bò phía trước. Trường hợp này là chiến thắng tuyệt đối.
Những bước chạy dũng mãnh.


Về đích
Nước rút


Quá nhanh, quá nguy hiểm
Quyết liệt
Ruộng thi đấu, đây là khu vực thả để giành chiến thắng, đoạn này dài khoảng 120m. Chỉ đoạn này thôi để phân tranh thắng thua giữa các đôi bò.

Tài xế cặp bò số 4 giành chiến thắng trong hội đua bò năm 2015.
Cả 3 thế hệ trong gia đình cùng mừng chiến thắng. Chủ bò là ông nội, "tài xế" là cha và cháu nội của chủ bò.

BỐ SUSU
10-2015

5 nhận xét:

  1. Hội đua bò truyền thống hằng năm của người Khmer này hay. Những lễ hội của người Khmer ở vùng châu thổ sông Cửu Long, như đua ghe Ngo, đua bò... trả lại cho họ tổ chức là rất đúng, Nét văn hóa của họ chính là ở nhà chùa, các hoạt động xã hội của họ từ lễ tết, tôn giáo, vui chơi, học hành... xưa nay đều do nhà chùa đứng ra đảm trách, và tiếng nói của vị sư cả là quyết định.

    Cám ơn Bố susu đã post lên hình ảnh đặc sắc của buổi thi đua bò năm nay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi sẽ copy và cúp lại một vài tấm hình của Bố susu để "triển lãm lại" bên nhà tôi sau nhé.

      Xóa
    2. lần đầu cháu tham dự một hội vui như vậy đó bác Hiệp. Lo chụp bò lại quên đi chụp chùa và những đền thờ nơi đây, để ý cháu thấy có ít nhất là 3 điện thờ nhưng chưa biết ý nghĩa ra sao.
      ở saigon mình có nhiều chùa Miên như vậy ko bác, cháu chỉ nhớ là phía cầu Lê Văn Sỹ có một ngôi chùa nhưng chưa tham quan lần nào luôn.

      Xóa
  2. Lần đầu tiên chị mới xem được một hội đua bò của người Việt mình . Trông thật hay và mang tính dân gian ghê đi ! Một tập quán thật hay và nên gìn giữ như thế quả là rất trân trọng . Cảm ơn em đã giới thiệu bài viết đầy sôi động này Bố susu nhé .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. e cũng lần đầu tiên tham dự một lễ hội thật sôi động, hào hứng như vậy đó chị. Một lễ hội trong đó người dân là chính còn quan chức tham dự chỉ là phụ thôi, mọi người tham gia rất phấn khởi và vui vẻ chẳng có một xích mích nào xảy ra trong buổi đua bò hôm ấy chỉ thấy mọi người chăm chú theo dõi cuộc đua mà thôi. Không khí đó rất khó kiếm được ở các lễ hội ở VN mình bây giờ.

      Xóa

BỐ SUSU CÁM ƠN BẠN ĐÃ GHÉ THĂM VÀ ĐĂNG NHẬN XÉT TRONG BLOG.

LÊN ĐẦU TRANG