1 tháng 3, 2015

BỞI VÌ ĐÂU MÀ NÊN NÔNG NỖI

BỞI VÌ ĐÂU MÀ NÊN NÔNG NỖI
(bàn về chuyện hàng ngàn người chen nhau dâng sớ cúng sao giải hạn)
Trong cuộc đời tôi, một trong những điều ấn tượng nhất chính là hình ảnh quả chuông đồng trên đĩnh Yên Tử mòn vẹt mờ cả hàng chữ đúc trên đó vì 'bá tánh' dùng tiền giấy chà xát vào đó để lấy hên ! Thêm vào đó, vách chùa Đồng (làm bằng đồng) trên đỉnh non thiêng cũng bị tiền mài nhẵn thín. Mới gần đây hình ảnh các Phật tử chen chúc nhau hàng ngàn người, tay chắp trước ngực, mắt nhắm mắt mở, miệng rì rầm khấn vái để dâng sao giải hạn tại các chùa danh tiếng như chùa Phúc Khánh (Hà Nội) cũng làm tôi giật mình.
Chen chúc. Ảnh internet.
Mục đích của các đệ tử thì rõ rồi : cầu mong bình an, tai qua nạn khỏi, phát tài phát lộc, tình duyên êm đẹp ... Tóm lại cũng là chuyện tình –tiền. Khi đi giải hạn nhớ mang theo tiền để đóng nhá, không có gì free đâu ! Nghe bà vãi mặt hoa da phấn ngồi thu tiền, miệng lu loa báo giá 100K/người nếu cúng sao, cứ thế mà nhân lên, 100K / tớ sớ cầu an tôi hãi quá. Chốn yên bình thiêng liêng giờ cứ nháo nhào như chợ trời ! Mà bỏ ra vài trăm để mua bình yên thì quả là lãi to rồi.
Tục lệ cũng sao cũng có từ xửa từ xưa rồi nhưng nó nhẹ nhàng êm ái như hình ảnh 2 cây mía bà tôi dựng ở cạnh bàn thiêng ngoài trời hay vài cây nến đỏ be bé cháy bập bùng ngài sân nhà chứ không ồn ào, sấn sổ, chen lấn như bâygiờ.
Xong việc ra về,kệ mẹ rácđã có người khác hốt. Ảnh internet.
Không phải là nhà nghiên cứu tôn giáo hay tâm lý, tôi cảm nhận vấn đề này theo quan điểm cá nhân như sau.
Qua hành vi đua nhau cầu khẩn, van vái tôi nghĩ đến tính ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình của người Việt. Đại đa số người đi lễ đền chùa là cầu nguyện cho chính mình hoặc cho những người ruột thịt  (vợ, chồng, con cái) chứ chả ai dại gì mà cầu ơn trên phù hộ cho ông bà hàng xóm ! Cầu cho khỏe mạnh, học hành đỗ đạt, thăng quan tiến chức thì cũng tàm tạm nghe lọt tai chứ cầu mua một đồng, bán mười đồng hay tiền vô như nước sông Đà thì chối quá. Hối lộ Thần Phật bằng cách nhét tiền vào nách, vào đùi các vị thì chuyện thời nay mới có ! Lấy tiền xát mòn vả chuông đồng cũng là chuyện đời nay.

Giành giật. Ảnh internet.
Vậy tại sao cái đời nay nó lại lạ thế. Đó là vì người ta thiếu đi từ tâm, người ta chỉ biết sướng cho mình, cho nhà mình là được, còn nhà tụi bay thì mặc xác chúng mày. Ngày Tết ai cũng lau dọn nhà mình sạch bóng nhưng rác thì sẵn sàng lùa qua nhà bên cạnh. Quần áo súng sính , cỡi xe đời mới đến dự lễ hội nhưng ra về bỏ lại một bãi rác giấy, bao nylon, ly cafe nhựa .... Thăm vườn trái cây thì chỉ mong sao vặt trụi càng nhiều cây càng tốt, cho đứa đến sau khỏi ăn luôn. Ăn buffet thì hốt một đĩa đầy ngập mặt dù thân thể cũng gần cả trăm kí rồi. Mua có mỗi mấy trái cà chua hay cam quít mà xới tung, bóp nắn cả buổi cái thùng trái cây của tiệm buôn.Thậm chí chính mắt tôi thấy một chị sồn sồn khi xuống máy bay hốt luôn cả đống túi giấy dùng để hành khách nôn ói, lính quýnh thế nào mà làm rơi tung tóe ngay chân cầu thang, lúi húi nhặt trông ngán ngẩm quá.
Thôi kể sao cho hết thói hư tật xấu dân Việt ! Tóm lại, người ta bây giờ quá khôn và quá ích kỷ, không bao giờ nghĩ đến người khác.

Hình nhân thế mạng. Ảnh internet.
Chuyện gì cũng phải có nguyên nhân chứ. Không có 4000 năm văn hiến nhưng người Nhật không chen lấn. Không là con rồng cháu tiên nhưng người Singapore không xả rác.Tất cả biến tướng hành vi quái đản trên là do môi trường xã hội quá xấu và nền giáo dục chỉ biết nhồi sọ. Không thể trách người dân khi đồng lương quá thấp bắt họ phải bươn chải hay lươn lẹo để sinh tồn. Không thể trách giới trẻ khi xung quanh họ chả thấy tấm gương sáng nào, các Thầy cũng đang mải mê kiếm sống, quan chức cũng say máu tranh thủ bốc hốt. Học xong cũng chả biết để làm gì vì bằng cấp VN có ai sử dụng đâu ? Mà VN thì làm to hay thăng tiến cũng đâu nhất thiết phải giỏi. Nhớ cái vụ ngực lép không được lái xe không? Cũng phải cỡ chuyên viên tiến sỹ thạc sỹ mới nghĩ ra được  chớ ! Hay chuyện ông Bộ trưởng mắm tôm í (cho nguyên nhân dịch tiêu chảy cấp ở Hà Nội là do mắm tôm, đúng ra là do ăn ở quá nhếch nhác).
Vậy thì có thể nói hiện tượng chen nhau dâng sớ giải hạn cúng sao chính là biểu hiện của một xã hội không ổn định, người dân sống bấp bênh nay đủ mai đói, tai họa sẵn sàng giáng xuống (cả thiên tai lẫn nhân tai) và trong môi trường đó họ chỉ còn biết co lại cầu nguyện mà thôi.

Nguyễn Xuân Tuấn Anh
SG, 1/3/2015
(BỐ SUSU SƯU TẦM)

3 nhận xét:

  1. Những hình ảnh như thế này nói lên điều gì? Là xã hội đã hướng về tâm linh, là cái tinh thần chứ không phải vật chất tầm thường? Là con người đã biết sợ, biết sống hướng tới cái thiện, cái hiền hòa...v.v...

    Nhưng hình như không phải như thế, đây chỉ là cái mất niềm tin nơi cuộc sống thật, để rồi người ta đổ xô nhau đi tìm niềm tin trong cái giả, huhu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em đồng ý với anh Hiệp vô cùng ! Thật đáng buồn ....

      Xóa
    2. thời của cái giả lên ngôi :(

      Xóa

BỐ SUSU CÁM ƠN BẠN ĐÃ GHÉ THĂM VÀ ĐĂNG NHẬN XÉT TRONG BLOG.

LÊN ĐẦU TRANG