16 tháng 2, 2017

LỘI RỪNG BIDOUP NGẮM CÂY LÁ PHONG

Là một trong những khu bảo tồn lớn nhất Việt Nam, vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà cách Đà Lạt 50km là một điểm đến thú vị với những du khách thích trải nghiệm sự hùng vĩ của núi rừng.

Sau khi tìm hiểu thông tin nhóm chúng tôi được biết trong rừng Bidoup cũng có cây lá phong với nhiều màu sắc quyến rũ nên cả nhóm quyết định đặt tour đi tìm là phong trong rừng Bidoup – Núi Bà.
Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà nằm trên Cao nguyên Lâm Viên có độ cao trung bình từ 1500m đến 1800m, nằm trong khối núi chính thuộc dãy Nam Trường Sơn. Vường quốc gia Bidoup – Núi Bà nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng có nguồn tài nguyên sinh học đa dạng và phong phú, cảnh quan thiên nhiên đẹp nên rất có tiềm năng khai thác du lịch.
Sau khi làm thủ tục với trạm kiểm lâm để được vào rừng tham quan, cả nhóm nghe hướng dẫn viên hướng dẫn một số điều quy định khi vào rừng. Vì là lần đầu tiên lội rừng nên cả nhóm có nhiều cái lo lắm, nhất là chuyện tránh vắt. So với rừng Nam Cát Tiên thì vắt ở rừng Bidoup không nhiều bằng nhưng có vắt là chắc chắn.
Cây pơ mu mà trước giờ chỉ nghe trên báo đài, sách vở bây giờ đang hiện diện trước mặt chúng tôi, trông cây nhỏ như vậy nhưng theo lời anh dẫn đường địa phương thì phải trồng 5 năm mới được như vậy nên mới hiểu rằng để có một cây gỗ pơ mu thật to để làm cái nhà thì cây đó phải được trồng bao nhiêu năm mới lấy được gỗ.

Đứng giữa rừng, anh dẫn đường kêu cả đoàn đứng yên lặng, nhắm mắt để cảm nhận không khí yên tĩnh giữa rừng. Đứng giữa rừng, cả nhóm cảm nhận được một không khí yên lặng bao trùm khu rừng, chúng tôi chỉ nghe tiếng chim hót lú lo, tiếng suối chảy róc rách, làn gió nhẹ mang hơi lạnh trong rừng thổi qua… chỉ nhiêu đó thôi cũng đã làm chúng tôi ngất ngây với chuyến đi này.
Chỉ mới tuần trước thôi, khi cơn lũ dữ kéo về đây đã làm ngã đổ cây lá phong này, nó nằm vắt ngang dòng suối nên nhóm mình sử dụng nó như một cây cầu khỉ để qua suối mà khỏi mất công phải lột giày để lội. Nhưng để vượt qua cây cầu khỉ này phải nhờ đến sự giúp đỡ của anh dẫn đường.

Những rong rêu bám chặt vào những thân cây cổ thụ kéo dài từ gốc đến ngọn cây. Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà là rừng nguyên sinh với rất nhiều loài động – thực vật khác nhau. Ngoài ra, nơi đây còn được đánh giá là vương quốc của các loài lan rừng của Việt Nam.


Và rồi chúng tôi cũng được gặp những cây lá phong màu vàng trong rừng. Tuy cây phong không ngợp trời như những quốc gia khác mà chúng ta thường thấy nhưng những cây phong trong rừng Bidoup cũng đủ mang đến những giây phút choáng ngợp, xuýt xoa cho nhóm đi tìm lá phong của chúng tôi.

Cây lá phong ở rừng Bidoup – Núi Bà không dày đặc như những nước ôn đới nhưng hình ảnh lá phong với những sắc màu riêng biệt cũng đủ làm những ai mê lá phong cảm thấy mãn nguyện.

Ngắm cây phong lá vàng, cây lá đỏ bên bờ suối róc rách. Lấy tay vớt nước từ dòng suối mát lạnh để rửa mặt, một cảm giác thật sảng khoái. Để tiếp tục hành trình, chúng tôi phải lội qua dòng suối này, cởi đôi giày đi chân trần lội suối, dòng nước lạnh như bấu lấy những đôi chân trần của chúng tôi và cảm giác giác đó vẫn còn ngất ngây mỗi khi nhớ lại.


Cả nhóm đã có một chuyến lội rừng tìm cây lá phong thật thú vị. Thú vị hơn, chúng tôi lội rừng liên tục như vậy trong 3 giờ, quên cả ăn trưa.

Chia tay rừng Bidoup – Núi Bà, chia tay những lá phong nhiều màu sắc cả nhóm hy vọng đến một ngày nào đó khi số lượng cây phong nhiều hơn sẽ tạo nên những hình ảnh thơ mộng về cây lá phong và sẽ thu hút nhiều du khách đến tham quan vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà.


BỐ SUSU
02-2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BỐ SUSU CÁM ƠN BẠN ĐÃ GHÉ THĂM VÀ ĐĂNG NHẬN XÉT TRONG BLOG.

LÊN ĐẦU TRANG