28 tháng 8, 2013

ĐÌNH TÂN LÂN

Đình Tân Lân toạ lạc trên đường Nguyễn Văn Trị, mặt tiền nhìn ra dòng sông Đồng Nai. Xưa kia đình thuộc thôn Tân Lân (Xóm Mới), huyện Phước Chánh, dinh Trấn Biên; nay là phường Hoà Bình, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam.
Đình Tân Lân  được lập vào năm 1820. Ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ trong khu vực thành cổ Biên Hòa. Tới năm 1906, khi giặc Pháp vào chiếm thành Biên Hòa làm căn cứ, đền được dời về gần bờ sông Đồng Nai, ở vị trí hiện nay. Đến năm 1935, đền được xây dựng mới kiên cố và đặt tên là Tân Lân thành cổ miếu (gọi tắt là đình Tân Lân )



Đình thờ đức ông Trần Thượng Xuyên là một danh tướng nhà Minh (Trung Quốc). Sau khi triều Minh sụp đổ, ngài theo phong trào “bài Mãn phục Minh” nhưng thất bại. Sau đó ngài đã đem theo hơn 3000 quân thân tín cùng toàn bộ gia quyến vào Đại Việt xin thần phục chúa Nguyễn. Chúa hiền – Nguyễn Phúc Tấn (1648 – 1687) chấp nhận và chuẩn y cho ông vào khai khẩn vùng đất xứ Đồng Nai.
Trần Thượng Xuyên đã đưa toàn bộ lực lượng vào định cư tại vùng Nông Nại Đại Phố. Cùng với nhóm người Việt đến trước khai khẩn vùng đất màu mỡ này. Với tài tổ chức tuyệt vời của ông, đã biến vùng đất Đồng Nai hoang sơ thành trung tâm kinh tế thương mại sầm uất. Cù Lao Phố và các vùng phụ cận, hàng hóa phong phú, thương cảng thuận tiện thu hút đông đảo thương nhân lái buôn trong và ngoài nước tới trao đổi, mua bán. Trần Thượng Xuyên là người có công lớn trong việc khai khẩn, tạo dựng vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai và cả khu Sài Gòn – Chợ Lớn sau này. Bên cạnh đó, ông còn là dũng tướng tài ba, có tài thao lược dùng binh. Ông đã giúp chúa Nguyễn dẹp loạn, mở mang bờ cõi nước Việt.

Tượng thờ ông Trần Thượng Xuyên. Với những công lao xây dựng xứ Biên Hòa, ông Trần Thượng Xuyên được người dân trong vùng tôn làm Thành hoàng của làng xã.

Đình Tân Lân toạ lạc nơi khuôn viên đất rộng khoảng 3.000m2, trên một nền cao 60 cm bằng đá xanh, lát gạch bông (20cm X 20 cm), với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn của văn hoá Trung Quốc. Mặt đình được kiến trúc theo kiểu chữ tam (三), lợp ngói âm dương, trên nóc chính điện có lưỡng long tranh châu, lý ngư hóa rồng. Trên hai đầu đao còn có tượng ông Nhật, bà Nguyệt, tiên đồng, ngọc nữ...

Phần Chánh điện chiếm diện tích 487,5m2 với những hàng cột gỗ lim to lớn. Tượng ông Trần Thượng Xuyên uy nghiêm ngự trên ngai sơn son thếp vàng được đặt trang trọng giữa chánh điện.
Toàn bộ khung kiến trúc chánh điện được làm bằng gỗ tốt, có cột chống ở giữa kiểu bình nước, được lắp ghép với kỹ thuật mộng chốt và gắn đầu rái đảm bảo độ bền vững cao. Phối thờ trong chánh điện là các ban thờ Tả ban và Hữu ban, Thái Giám, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Bạch Mã và Tiền Hiền.

Hữu ban


Tả ban

Bàn thờ ông Trần Thượng Xuyên nơi chính điện.



Nơi đây có những hàng cột gỗ lim to, những cặp chim trĩ, loan, phượng... bằng đồng đứng chầu, cùng bộ bát bửu cũng bằng đồng đặt thẳng hai bên hàng trước bàn thờ thần làm tăng thêm sự trang nghiêm.

Theo ông từ trông đền ngày hôm đó, thì đây chính là di ảnh của vua Minh Mạng được mang về từ HongKong.??? (Nhưng chưa thấy tài liệu nào chứng mình chuyện này là đúng)
Nhờ bác Toro và bác Phạm Ngọc Hiệp giúp đỡ thì đây là bức chân dung của "Đại Minh Thái Tổ Cao Hoàng Đế", tức là Chu Nguyên Chương, vua khởi đầu nhà Minh bên Tàu.
Kiệu dùng để rước sắc ông ông dịp Lễ hội Kỳ Yên hằng năm.


Phần hành lang trước Chánh điện.

Phần Tiền đình có diện tích 75,5m2. Trên nóc trang trí hàng trăm tượng người, vật bằng gốm sứ men xanh màu lưu ly thể hiện các đề tài cổ điển phương Đông một cách sinh động như: Bát tiên quá hải, Quan Công phò nhị tẩu, thiếu nữ giao cầu, diễn võ đài, cảnh bái triều rước xách, tiễn đưa, diễn hí tấu nhạc, vinh qui bái tổ, xét xử tội nhân nơi địa ngục, hội triều nơi thiên đình...Bên trong tiền đình, trên các xà ngang được chạm trổ các đề tài dơi, đào, hoa, lá biểu trưng cho phước thọ, trường tồn.

Những bức tượng rất tuyệt với những sắc thái khác nhau của từng nhân vật.















Trong phạm vi của đình còn có Miều thờ ngũ hành.


Kỳ đài nằm bên kia đường, sát bờ sông.


Bia ghi công ông Trần Thượng Xuyên trong quá trình xây dựng và phát triển Cù lao phố - Biên Hòa ngày nay.
Hằng năm, tại đình Tân Lân, lễ Kỳ yên được tổ chức long trọng vào ngày 23 tháng 10 âm lịch.

Bố susu
08-2013

17 nhận xét:

  1. Ngôi đình thật đẹp, khang trang và rộng rãi thật em nhỉ ? Khi còn ở VN , chị cũng thường hay đi cúng đình lắm , nhất là sau khi cúng xong thì xin quẽ xăm...hôm nay đọc bài viết của em ,chị nhớ lại những kỷ niệm khi còn ở quê hương mình quá Bố susu ạ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. hihihi, e viết về đình chùa nữa chắc chị về thăm quê hương sớm hơn quá :)

      Xóa
  2. Những tấm ảnh chụp cận cảnh chi tiết trang trí tượng trên nóc đình rất tuyệt Bố Susu à! Trước nay chưa có tư liệu nào chi tiết và rõ nét như vậy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng may nhờ có anh nhắc nhở những bức tượng này thì em mới biết đó. Chứ thật tình nếu nhìn bên ngoài thì sẽ không để ý thấy những bức tượng này đâu.

      Xóa
  3. Cam on anh da co nhung bai viet that hay va bo ich.

    Trả lờiXóa
  4. Anh hay nghe nói đến "đình, chùa, miếu, mạo" (không biết anh nhớ có đúng không). Chùa thì anh biết rồi nhưng còn đình, miếu, mạo là gì thì anh không biết!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. em tìm hiểu đuuợc đình, chùa, miếu mạo là ntn:


      Đền là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị thần hoặc một danh nhân quá cố. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là các đền thờ được xây dựng để ghi nhớ công ơn của các anh hùng có công với đất nước hay công đức của một cá nhân với địa phương được dựng lên theo truyền thuyết dân gian.


      Miếu là một dạng di tích văn hóa trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, có quy mô nhỏ hơn đền. Miếu thường ở xa làng, yên tĩnh, thiêng liêng và là nơi thờ các vị thánh thần. Khi miếu phối hợp với thờ Phật thì được gọi là Am, ở Nam bộ gọi là Miễu.

      Miếu và đền về kiểu mẫu thì giống nhau, chỉ khác nhau về quy mô. Các miếu thường thờ các vị thần như miếu thổ thần, thủy thần, sơn thần, miếu cô, miếu cậu…

      Chùa là công trình kiến trúc phục vụ mục đích tín ngưỡng của đạo Phật, đây là thờ Phật đồng thời là nơi ở sinh hoạt, tu hành và thuyết giảng đạo Phật của các nhà sư, tăng ni. Đây là nơi những tín đồ đạo Phật lui tới để nghe thuyết giảng và thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Ở một số nơi, chùa cũng là nơi cất giữ xá lị và chôn cất các vị đại sư.


      Đình là công trình kiến trúc cổ truyền của làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp của người dân.

      Ban đầu, đình là điểm quán để nghỉ của các làng mạc Việt Nam. Đến khoảng giữa thế kỷ 13, vua Trần Nhân Tông cho đắp các tượng Phật ở các đình quán. Sau đó, đến thời Lê sơ, các đình làng bắt đầu là nơi thờ thành hoàng làng và là nơi hội họp của dân chúng.

      Đình làng thường được bố trí ở trung tâm làng xã, địa điểm thoáng đãng nhìn ra sông nước. Trong tiềm thức văn hóa người Việt, đình làng gắn liền với hình ảnh cây đa, giếng nước, là địa điểm sinh hoạt chung và hồn vía của làng xã.

      Như vậy, đền, miếu, đình là những công trình kiến trúc xuất phát ban đầu từ tín ngưỡng thờ cúng dân gian, nơi đây thờ các vị thánh thần theo truyền thuyết dân gian hoặc những vị anh hùng có công với đất nước, với địa phương được nhân dân tôn xưng là thánh (Đức Thánh Trần, Thánh Gióng, thành hoàng làng…). Ở mỗi đơn vị đình, miếu, đền thường chỉ thờ 1 vị thánh thần theo tín ngưỡng của địa phương (đền Kiếp Bạc thờ Trần Hưng Đạo, miếu thủy thần thờ thần nước, đình làng thờ Thành hoàng là của mỗi địa phương…).

      Chùa là nơi thờ Phật, Bồ Tát cùng những nhân vật trong hệ phái Phật giáo. Do ảnh hưởng tư tưởng Tam giáo đồng nguyên (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo) từ thời nhà Lý nên một số ngôi chùa còn thờ đồng thời cả Phật, Thái thượng Lão quân và Khổng Tử.

      Việc thờ Phật ở chùa, thờ thánh thần ở đình, đền, miếu và tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có điểm chung đó là đều xuất phát từ lòng biết ơn, thành kính hướng tới những người có công cứu rỗi cho cộng đồng, địa phương, những người có công tái tạo và dưỡng dục những thế hệ con người. Đó đều là những hoạt động tâm linh quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt.

      Nguồn: http://giadinh360.vn/hoidap/dinh-den-chua-mieu-mao-co-phai-deu-tho-phat

      Xóa
  5. Bộ mái đẹp quá, đặc trưng văn hóa Tàu...
    Trên bức chân dung được cho là Vua Minh Mạng có dòng chữ bên phải, tôi đã phóng lên xem nhưng mờ quá, chỉ loáng thoáng thấy chứ Đại... mã... ngờ rằng không phải vua MM vì hhông thấy chữ Đại Nam Minh Mạng hoàng đế... Nếu có hình chụp rõ thì xác định được ngay thôi Bố Susu à.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trời, cái ông từ trông đền này... bố láo thật. Câu trên là "Đại Minh Thái Tổ Cao Hoàng Đế", tức Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ), ông này là vua Tàu chứ không phải vua Ta. Đền thờ Trần Thượng Xuyên, một tướng "phản Thanh phục Minh" làm sao có vua Minh Mạng nhà mình ở đó? Làm từ trông đình mà lơ mơ, còn giải thích tầm bậy nữa.

      Những bức tượng trên mái cùng một loại, kiểu dáng với những bức tượng nơi những chùa Tàu Chợ Lớn, do là gốm Cây Mai ngày xưa làm.

      Xóa
    2. Và cả cái hình nữa, đích thị là Đại Minh Thái Tổ Cao Hoàng Đế nhà Minh bên Tàu... :-)))

      Xóa
    3. dzạ, bác Toro cũng cho em biết đây là "Đại Minh Thái Tổ Cao Hoàng Đế", tức là Chu Nguyên Chương, vua khởi đầu nhà Minh bên Tàu.

      Xóa
    4. em đã chuẩn bị sẵn hình để hỏi bác Toro rồi nhưng lại quên hỏi ạh. Bây chừ nhờ bác đọc giúp cho
      [img]https://lh6.googleusercontent.com/-90vqrE5m5t8/UhI8or6Ba-I/AAAAAAAAbTs/rAjT_D_-NhU/s800/dinhtanlan-25.jpg [/img]

      Xóa
  6. MH ghé thăm bố Susu!
    nhìn cách bài trí trang thờ... sao giống như cách bài trí trang thờ thiên nhản của Đạo Cao Đài quá... MH theo đạo của Cha.. Giáo phái Cao Đài Thánh thất ở Tây Ninh .. nhưng ở nhà cũng phải có 1 trang thờ...uy nghi và hoành tráng giống như trong hình bố Susu chụp vậy ! Thanks !

    Trả lờiXóa
  7. MH ghé thăm bố Susu!
    nhìn cách bài trí trang thờ... sao giống như cách bài trí trang thờ thiên nhản của Đạo Cao Đài quá... MH theo đạo của Cha.. Giáo phái Cao Đài Thánh thất ở Tây Ninh .. nhưng ở nhà cũng phải có 1 trang thờ...uy nghi và hoành tráng giống như trong hình bố Susu chụp vậy ! Thanks !

    Trả lờiXóa
  8. Chào các bác!
    Em xin góp tí tư liệu về tấm ảnh ở bàn hội đồng ngoại của đình Tân Lân. Nguyên đây là di ảnh của Đại Minh Thái Tổ Cao Hoàng Đế Chu Nguyên Chương, năm xưa ( 50 năm) đây là quà của Tổng Thống Đài Loan gởi tặng đình Minh Hương Gia Thạnh (cholon.vn) đình Minh Hương tặng lại đình Tân Lân ! (lời thuật của Bác Võ Hà Thanh- cựu trưởng ban quý tế đình Tân Lân, hiện đang ở Mỹ). Em hiện đang góp nhặt tư liệu về đức ông, nếu các bác có hứng thú, xin liên lạc !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. cám ơn những thông tin quý của bác để bổ sung thêm kiến thức cho bài viết.
      qua trang nhà bác mới thấy cả một Biên Hòa nằm ở đấy, thật tuyệt vời bác ạh.

      Xóa

BỐ SUSU CÁM ƠN BẠN ĐÃ GHÉ THĂM VÀ ĐĂNG NHẬN XÉT TRONG BLOG.

LÊN ĐẦU TRANG